Đồng tác giả:



BÌNH HUYÊN



 




Tĩnh Tâm - Cuồng Trí - Thiện Căn

Đồng tác giả: BÌNH HUYÊN



Trung tâm Cư trú Quốc tế Paris (Centre International de Séjour de Paris gọi tắt là C.I.S.P.) một ngày Thu Mậu-Tý…

Trong một thính phòng lộng lẫy, quan khách an toạ trên những hàng ghế nhung mầu đỏ trước sân khấu đã kéo màn. Gần sát trần sân khấu, dưới dãy đèn, có giăng tấm biểu ngữ xanh lá cây với hàng chữ vàng
«NGÀY VĂN HOÁ VIỆT NAM» của Hội Ái Hữu Dược Sĩ Người Việt Hải Ngoại, hai bên có cờ Pháp-Việt. Gần lề sân khấu có một chiếc bàn dài phủ khăn đỏ và ba cái ghế, trên bàn có hai máy vi âm. Trên tường sân khấu có treo tấm màn trắng.







Bà Nguyễn Lưu Phương Thảo, Chủ Tịch Hội Ái Hữu Dược sĩ Người Việt Hải Ngoại, lên giới thiệu thuyết trình viên thứ nhất bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Đó là kỹ sư Phạm Quang Lê, 73 tuổi, xuất thân từ Trường Trung Ương Paris (Ecole Centrale de Paris). Bằng tiếng Việt, ông ngỏ lời cám ơn Ban Tổ Chức, rồi bắt đầu dẫn khán giả vào thế giới Đạo Phật với đề tài «Le calme de l’esprit selon le Boudhisme» (Tĩnh tâm theo Đạo Phật) bằng tiếng Pháp.

Theo ông, đối nghịch của Tĩnh Tâm là Bất Ổn hoặc Xáo Trộn Tâm Hồn. Nguyên do là các biến cố cuộc đời xô đẩy con người tới tâm trạng đó khiến người ta biểu lộ cử chỉ lời nói xáo trộn. Nếu uống thuốc an thần, sự tĩnh tâm sẽ có được một cách giả tạo và ngắn ngủi. Làm sao tìm lại được sự tĩnh tâm lâu dài ? Trước tiên, ta phải khám phá ra nguyên nhân của sự bất ổn hoặc xáo trộn tâm hồn. Thứ nhất, đó là vì «cái tôi» bị đụng chạm. Từ ngữ «cái tôi» rất quan trọng. Lý do là nó hiện hữu cả trong ta và người khác. Vì vậy, ta phải hiểu sự đau khổ của tha nhân và phải biết mang lại cho họ những giúp đỡ vật chất và tinh thần. Ta không tìm kiếm «cái tôi» chỉ vì lợi ích riêng tư của ta.

Nguyên nhân khác của sự bất ổn tâm tư còn do sự không hiểu biết hoặc không hoà hợp các sự kiện trước mặt. Ta phải công nhận rằng người khác cũng có lý. Luận bàn nhưng không cãi cọ, vì sự xung đột sẽ xảy ra cho cả hai bên. Do đó, ta nên nhẹ tay, đối đáp êm đềm, đồng thời làm chủ tâm trí mình. Có như thế, người đối diện mới hài lòng. Ta cần phải chấp nhận quan điểm khác biệt giữa ta và người đối diện.

Vai trò của tâm trí là gì ? Một câu chuyện điển hình giữa một kiếm khách Nhật (samuraï) và một nhà thông thái sẽ giải đáp câu hỏi này. Kiếm khách gặp nhà thông thái ngoài đường, bèn hỏi : «Địa ngục là gì?». Nhà thông thái chỉ nhìn, không đáp. Sau ba lần hỏi, kiếm khách rút gươm hăm dọa. Nhà thông thái cất tiếng : «Địa ngục ở trong túc hạ đó.» Kiếm khách quăng gươm, chắp tay tạ lỗi. Như thế, sự xáo trộn tâm hồn được trở lại sự tĩnh tâm. Thái độ và lời nói của nhà thông thái đưa ra với mục đích mang lại sự tĩnh tâm cho kiếm khách. Mỗi tư tưởng có thể làm phát sinh các tư tưởng khác trong ta.

Căn bản của Tĩnh Tâm nằm trong sự suy ngẫm của cá nhân ta đối với tha nhân.

Sự suy ngẫm giúp ta nhiều thứ. Trong đó có sự kiện tự đặt mình vào các điều kiện bình thường.

Trở lại với Phật giáo. Tại sao Phật giáo đồng nghĩa với Tĩnh Tâm ? Bởi vì trong Phật giáo có chữ Phật làm sống dậy sự Tĩnh Tâm. Con đường để người ta theo là : Đức Phật hiện hữu để chỉ đường cho con người mà thôi chứ Đức Phật không dạy bảo con người điều gì cả. Từ đó, bốn chân lý được ghi nhận:

(1) Sự Đau Khổ

(2) Cái Tôi, nguyên do của Đau Khổ

(3) Hết Đau Khổ

(4) Các đường lối mang đến việc ngưng Đau Khổ.

Lòng Trắc Ẩn và Tình Thương được mang đến cho thể xác, ngôn từ, tâm linh. Hai khái niệm được phát sinh:

(A) SỰ HOÁ KIẾP:

Sống – Chết – Tái sinh

Mỗi Phật tử ước vọng một đời sống tốt hơn cho mỗi lần tái sinh.







(B) KARMA / NGHIỆP :

* Luật định : «Gieo gì, gặt đó»

KARMA như cái bao đeo trên lưng. Trong đó, con người đựng những điều tích cực (positif) và những điều tiêu cực (négatif). Những điều này được so sánh với các viên bi trắng và các viên bi đen. Mỗi khi ta kiếm cách nhìn nhận lỗi lầm sai trái của mình là ta loại bỏ những viên bi đen ra khỏi bao. Phải làm luôn luôn và bất cứ lúc nào, để sớm có được tổng kết các viên bi trắng và đen, chứ không chờ đến cuối cuộc đời mới làm việc đó.

Có hai ý tưởng :

(I) Phải làm sao để mình từ nay không bỏ vào bao trên lưng những viên bi đen ;

(II) Phải có hành động hối cải.

Luật KARMA :
«Am hiểu hơn, trước mọi chuyện, và luôn luôn có hành động tốt».

Suy ngẫm của Đức Đa-Lai Lạt-Ma : «Khi bạn có vấn đề, nếu bạn không có giải pháp, bạn hãy bình tâm. Còn nếu có giải pháp, bạn hãy tiến tới.» Tóm lại, khi gặp khó khăn mà chưa có giải pháp, nếu bình tĩnh chờ đợi thì sẽ không có vấn đề. Cử chỉ chắp tay của Đức Phật và Phật tử phản ảnh sự Tự trọng và sự Khiêm tốn. Hai bàn tay chắp lại trông giống bông hoa sen vốn là một thực thể tinh khiết.

* Tay trái tượng trưng Lòng Trắc Ẩn

* Tay phải tượng trưng Trí Khôn.

Hai bàn tay kết hợp mà không phân biệt tay này với tay kia.

Do đó, Đạo Phật phản ảnh việc cải thiện hoàn toàn Tĩnh Tâm bằng Tĩnh Tâm, cũng như đổi Nụ Cười bằng Nụ Cười vậy.







Những tràng pháo tay vang lên ào ạt để khen thưởng thuyết trình viên Phạm Quang Lê, đồng thời đón chào thuyết trình viên Nguyễn Xuân Trường sẵn sàng đứng lên nối tiếp buổi thuyết trình với chủ đề khoa học thực tiễn : «Peut-on prévenir et/ou retarder l’ALZHEIMER?» (Người ta có thể ngăn chặn bệnh Alzheimer được không ?).

Tiếng thuyết trình viên cũng bằng Pháp ngữ sang sảng cất lên theo các bản văn cùng hình ảnh chiếu lên màn ảnh sau lưng ông, mang lại cho khán giả một số ghi nhận quý báu theo dàn bài như sau.

(A) Những đặc điểm của bệnh Alzheimer :

1/ Quá trình (historique)

2 / Định nghĩa (définition)

3/ Khoa Bệnh Truyền nhiễm (Épidémiologie)

4/ Tổn thương não bộ (lésions célébrales)

5/ Chẩn bệnh (diagnostic)

6/ Chữa bệnh (thérapeutique)

(B) Có thể ngăn chặn bệnh Alzheimer hay không:

(a) Ngăn chặn cấp một

(b) Ngăn chặn cấp hai

(c) Ngăn chặn cấp ba

(C) Kết luận

Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường cho biết, từ ngữ «ALZHEIMER» ra đời ngày 04 tháng 11 năm 1906 do nhà thần kinh học người Đức Aloïs Alzheimer (1864 – 1915) đặt ra khi ông khám phá được những tổn thương não bộ đặc biệt của một nữ bệnh nhân 51 tuổi.

Đó là một trong những chứng bệnh thoái hoá não bộ rõ rệt bởi sự hư hại kéo dài càng ngày càng nặng và bất trị của các chức năng nhận thức, bởi những tổn thương não bộ bệnh học. Sau đó, bệnh biến chuyển thành điên dại, mất trí, khi căn bệnh vang vọng vào đời sống hàng ngày của bệnh nhân.

Nhiều ý tưởng sai lệch về bệnh này được ghi nhận như sau : bệnh bất trị – đó là một bệnh điên – bệnh nhân không đau đớn, không cảm thấy gì cả – bệnh nhân cố tình làm ra thế – đó là bệnh người già – bệnh do di truyền…

Ta nên bỏ những ý tưởng này, vì chúng chỉ mang lại khía cạnh tiêu cực.

Theo Khoa Bệnh Truyền nhiễm (Épidémiologie), đây là hình thức điên dại hay xảy ra bên Pháp (70%) và là nguyên do thứ tư của nạn tử vong tại các nước tây phương. Trung bình bệnh nhân chết 10 hoặc 15 năm sau khi chẩn bệnh (thường bị làm trễ). Bên Pháp có gần một triệu bệnh nhân với 225.000 trường hợp mỗi năm (600 trường hợp mỗi ngày) : 0,5% bị trước 65 tuổi, và trên 25% (nhiều nhất ở giới đàn bà) ngoài 85 tuổi; 75% bệnh nhân vẫn ở nhà ngay cả khi họ đi vào giai đoạn bệnh gia tăng. Bệnh nhân thường có trình độ học kém. Theo ước đoán, năm 2040, bệnh phí có thể tăng gấp 10 lần bệnh phí của năm 2000 (với 4,6 tỷ euros). Ở Pháp, Maladie Alzheimer, được gọi tắt là MA, thường thấy ở vùng Ile de France và miền đông-nam.







Tóm tắt Bảng Bệnh của chứng MA :

* Triệu chứng học nhận thức :

- Rối loạn trí nhớ (70%)

- Rối loạn ngôn ngữ (Aphasie = chứng mất ngôn ngữ)

- Rối loạn ảo hình (praxie)

- Rối loạn nhận thức giác quan (gnosie)

- Rối loạn thị giác về rộng và hẹp.

* Triệu chứng tâm lý cử chỉ :

- Rối loạn trong việc làm cử chỉ

- Rối loạn tính khí: vô tình cảm, cảm tưởng thấy mình như khoẻ khoắn

- Triệu chứng trầm uất (dépressifs)

- Có lúc la hét, có lúc gây gổ

- Ảo tưởng thị giác hoặc thính giác

- Trốn nhà, đi lăng nhăng

* Rối loạn thần kinh:

- Mất thăng bằng, đi loạng choạng, té ngã
- Khó nuốt (déglutition)
- Cơ thắt rối loạn (sphintériens)
- Ngủ trằn trọc
- Rối loạn ăn uống, giao hợp
- Động kinh (épilepsie)
- Nói lắp (palilalie, écholalie)
- Câm lặng (mutisme)
- Mất bộ điệu (amimie)
- Mất khứu giác (anosmie)
- Phản xạ cũ kỹ (réflexes archaiques)
- Nằm liệt giường (grabatisation)







(I) Có hai cách Điều Trị bệnh MA :

(1) Bằng thuốc men :

(a) Theo triệu chứng :

- Trị rối loạn nhận thức

- Trị rối loạn cử chỉ tâm lý

(b) Theo sự thay đổi bệnh

(c) Theo căn bệnh

(2) Bằng cách không dùng thuốc :

(a) Quan tâm đến bệnh nhân

(b) Quan tâm đến gia đình.

(II) Có ba cách Ngừa bệnh :

(A) Cách một :

(1) Chủng ngừa

(2) Trị liệu tránh nguy hiểm tim mạch

(3) Trị liệu về tính chất chung trong việc mắc bệnh

(4) Tránh trường hợp phạm thuốc (iatrogénie hoặc iatrogénèse médicamenteuse)

(5) Dùng thuốc dưỡng thần lâu dài

(6) Ăn ngủ đều hoà

(7) Theo đuổi cách sống gồm nhiều sinh hoạt

(B) Cách hai :

(1) Giữ gìn cẩn thận trong tình trạng còn ở giai đoạn trước khi bị sa sút trí tuệ

(2) Cần phải nhờ bác sĩ chẩn bệnh thật sớm

(C) Cách ba :

Bên cạnh sự bổ túc việc Điều trị bằng cách dùng thuốc hoặc không dùng thuốc như nói trên đây, có hai việc Tìm tòi như sau :

(1) Tìm tòi điều trị tương lai gần :

- Chọn một loại thuốc chủng chính xác

- Sử dụng các kế hoạch chống bệnh dạng tinh bột (anti-amuloide)

(2) Tìm tòi điều trị tương lai xa :

- Sử dụng các biện pháp dinh dưỡng thần kinh (neurostéroides)

- Kích thích sự tiết chất albumin của tế bào trung ương não bộ

- Duy trì tế bào gốc thần kinh não bộ.

KẾT LUẬN :

Hai điều quan trọng cần ghi nhớ : Thứ nhất là, Ngừa bệnh theo cách một đã nói trên đây càng sớm càng tốt, và, thứ nhì là, Chẩn bệnh sớm rồi Điều trị bệnh MA theo kiểu không dùng thuốc cho sớm (Xem trên đây : I/2/a,b).

Ngoài ra, tiến trình Nghiên cứu mang lại cho ta nhiều hy vọng về Thuốc Chủng và Phương Pháp Trị Bệnh MA.

Chính sách Ngừa Bệnh nhắm vào biện pháp Khẩn Cấp và chủ đích Ăn Thua lớn lao. Chúng không nên quên rằng bệnh MA nằm trong đề tài Bệnh Tật có tính cách thời sự. Xưa kia, khi bàn về bệnh tật, y sĩ Hy-lạp Hippocrate thường nói :
“Chữa khỏi bệnh thì thỉnh thoảng đạt được – Làm bớt đau đớn, nhiều khi thành công - An ủi bệnh nhân, đó là việc phải luôn luôn thi hành.”








Tiếng vỗ tay hoan nghênh bài thuyết trình chuẩn bị kỹ lưỡng vừa ngớt, Ban Tổ Chức lên giới thiệu sách “Rừng Mắm” của tác giả Bình Nguyên Lộc được dịch ra tiếng Pháp do Giáo sư Nghiêm Xuân Việt, Dược sĩ Đặng Quốc Cơ, và Bà Nguyễn Quý Toàn. Tới giờ ăn trưa, quan khách không muốn đi xa dùng bữa đã tới lấy vé của đại diện Ban Tổ Chức – mỗi vé 12 euros – rồi sang phòng ăn gần đó dùng bữa theo cách tự phục vụ (self-service). Buổi chiều, thính phòng trở nên lãng mạn với phần trình diễn tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. Bác sĩ Hoàng Trường Thiện lên trình bày về kỹ thuật và tương quan giữa tác phẩm thi ca và người trình bày tác phẩm. Chị Thiên Nga (Hội Ái Hữu Trường Gia Long) tiếp lời giới thiệu nghệ sĩ diễn ngâm. Nhờ Hội Ái Hữu Dược Sĩ NVHN, quan khách sắp được thưởng thức năm màn ngâm thơ do Nha sĩ Tôn Nữ Lệ Ba từ Canada sang trình diễn, với các chủ đề : Trao Duyên (từ câu 723 đến câu 756), Hoạn Thư (từ câu 1535 đến câu 1566), Từ Hải Đón Kiều (từ câu 2259 đến câu 2274), Tiền Đường (từ câu 2607 đến câu 2666), Tái Hợp (từ câu 3135 đến câu thơ chót 3252),…Sân khấu linh động một cách huyền ảo trong mầu sắc y phục cổ xưa. Không khí thính phòng trở nên trân quý qua âm thanh đàn sáo quấn quýt lấy giọng ngâm tuyệt vời đầy truyền cảm của nghệ sĩ Lệ Ba. Trong tấm chương trình diễn ngâm thơ Truyện Kiều được gửi tới tay từng quan khách, ta thấy ghi :



CD KIỀU CD THƠ giọng ngâm Lệ Ba
Hong-Lac Vietnamese Music & Dance Ensemble
772A Dundas St.W., 2nd Fl.,
Toronto, Ontario M6J 1V1 Canada
Tel.: (416) 603-6060

E-mail: [email protected]



Một ngày Chủ Nhật tô vàng chuốt ngọc thật khó mờ nhạt trong trí não những ai luôn luôn tìm kiếm Tĩnh Tâm trong cuộc sống. Đồng thời, tâm hồn họ chắc cũng cảm thấy nhẹ nhõm trước viễn ảnh căn bệnh Cuồng Trí đang được nắm vững trong bàn tay Y khoa. Thêm vào đó, các quan khách đã rời thính phòng với nét mặt rạng rỡ như vừa mới giao hoà trọn vẹn với hai câu thơ kết Truyện Kiều :

Thiện Căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.



Đồng Tác Giả BÌNH HUYÊN

(Paris, Mùa Thu Mậu-Tý, 2008)


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com